Ngày 7/10, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư pháp người chưa thành niên – Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam” dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Timo Rinke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo, về phía Viện FES tại Việt Nam có ông Timo Rinke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; bà Lilly - Fritz - Nguyên Chánh án Tòa án cơ sở, Cộng hòa Liên bang Đức; GS.TS Roland Willhelm Fritz; TS. Dietrich Johann Kaspar Pielsticker; bà Trần Hồng Hạnh - Quản lý chương trình, Viện FES tại Việt Nam.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường; PGS.TS Cao Thị Oanh - Trưởng khoa Khoa Pháp luật hình sự; PGS.TS Đỗ Thị Phượng - Phó Trưởng khoa Khoa Pháp luật hình sự cùng sự có mặt của đại diện lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, nghiên cứu sinh thuộc các khoa chuyên môn.
Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Timo Rinke, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nêu rõ, thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc trong việc tăng cường hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên. Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên - một trong những văn bản quan trọng đang được xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý đủ nghiêm khắc những cũng bảo đảm nhân văn với đối tượng này; góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được trình Quốc hội Khóa 15 cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và tiếp tục được đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Do đó, việc tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Hội thảo khoa học quốc tế do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Viện FES Việt Nam tổ chức nhằm hướng tới mục đích tạo diễn đàn rộng mở để các nhà khoa học, chuyên gia, người làm công tác thực tiễn tại Đức và Việt Nam, các giảng viên, học viên, sinh viên của Nhà trường trao đổi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về tư pháp người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, chúng tôi hi vọng rằng, đây thực sự là một Hội thảo khoa học bổ ích, phát huy trí tuệ của các quý vị đại biểu để đưa ra các kiến nghị khoa học nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, phát huy hiệu quả việc áp dụng trong thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Timo Rinke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Viện FES và Trường Đại học Luật Hà Nội đặc biệt là chuỗi các hoạt động khoa học thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ pháp luật Việt - Đức tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Ông Timo Rinke nêu rõ, trong thời gian hợp tác, hai đơn vị đã cùng trao đổi, nghiên cứu nhiều nội dung quan trọng được xã hội quan tâm, tiếp nối thành công giai đoạn trước, Hội thảo “Tư pháp người chưa thành niên – Kinh nghiệm của Đức và Việt Nam” sẽ là dịp để trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức bổ ích về tư pháp đối với người chưa thành niên, Hội thảo thuộc chuỗi các hoạt động khoa học thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ pháp luật Việt - Đức lần thứ 14 tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tại Hội thảo các chuyên gia đến từ Đức và Việt Nam đã cùng trao đổi, thảo luận các nội dung về tổng quan về tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra; tổng quan Luật hình sự đối với người chưa thành niên ở Cộng hòa liên bang Đức; một số quy định về người chưa thành niên và người mới thành niên phạm tội trong tư pháp hình sự Đức và kinh nghiệm cho Việt Nam; xét xử thân thiện đối với bị cáo là người chưa thành niên trong pháp luật của Đức và Việt Nam; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật Việt Nam; điều kiện áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật hình sự cộng hòa Liên bang Đức - một số khuyến nghị đối với Việt Nam…
Một số hình ảnh tại Hội thảo
Nguồn: https://hlu.edu.vn/News/Details/28401