Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo khoa học về “Pháp luật Dân sự Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư".
Về phía đại biểu, có sự tham dự của nhiều chuyên gia pháp luật, thẩm phán, luật sư hiện đang công tác tại các cơ quan khác nhau như Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Viện Nghiên cứu Lập pháp; Cục Đăng ký Quốc gia về GDBĐ, Bộ Tư pháp; trường Đại học Mở Hà Nội; trường Đại học Lao động – Xã hội; Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp; Báo Pháp luật Việt Nam;…
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự đại diện tham dự của các thầy cô lãnh đạo các Khoa chuyên môn, các giảng viên trong trường và đông đủ các thầy cô trong Khoa Pháp luật Dân sự. Cũng nhằm lan toả và kết nối sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, học giả, Hội thảo được tổ chức đồng thời theo phương thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tuấn khẳng định và nhấn mạnh hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật Dân sự nói riêng đều nằm trong dòng chảy và chịu sự tác động sâu sắc trước bối cảnh hội nhập và Cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư. Do đó, việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật Dân sự Việt Nam nhằm đáp ứng và phù hợp với bối cảnh này là điều hết sức cần thiết.
PGS.TS Trần Anh Tuấn - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học với 20 Chuyên đề có giá trị và được phân theo các nhóm lĩnh vực chuyên ngành riêng. Đối với pháp luật dân sự về mặt nội dung, các chuyên đề tập trung nghiên cứu về tư cách chủ thể đối với trí tuệ nhân tạo, pháp luật về đại diện, thời hạn và thời hiệu, tài sản, vật quyền, thừa kế, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trước yêu cầu hội nhập và Cách mạng 4.0. Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, các chuyên đề tập trung nghiên cứu về vấn đề kết hôn, ly hôn, đăng ký hộ tịch, bình đẳng giới trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, các vấn đề về trí tuệ nhân tạo, ngoại lệ không xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, bảo hộ quyền liên quan đối với chương trình phát sóng, kiểm soát hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ tại biên giới trong bối cảnh thực hiện hải quan số được quan tâm nghiên cứu. Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, các bài tham luận tập trung nghiên cứu việc hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự ở Việt Nam cũng như tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác thi hành án dân sự trước yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ các kiến thức pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra nhiều đề xuất có giá trị nhằm hoàn thiện pháp luật dân sự trong bối cảnh hội nhập và cách mạng Công nghiệp Lần thứ Tư.
Kết luận tại hội thảo, PGS.TS. Trần Anh Tuấn trân trọng cảm ơn sự quan tâm và chia sẻ ý kiến của các chuyên gia, học giả, giảng viên và các đại biểu tham dự khác. PGS.TS Trần Anh Tuấn hy vọng Hội thảo sẽ là một diễn đàn khoa học chất lượng, lan toả các giá trị pháp lý và cung cấp những tài liệu có giá trị đối với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.
Toàn cảnh hội thảo.
Nguồn: https://hlu.edu.vn/News/Details/28378