Đăng vào 05/10/2023
Hội thảo khoa học quốc tế “Pháp luật về bảo hiểm xã hội - Kinh nghiệm của CHLB Đức và Việt Nam”
Nhằm cung cấp các quan điểm, các góc nhìn đa chiều, đóng góp những ý kiến hữu ích, sát thực cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong thời gian tới trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; đồng thời học tập kinh nghiệm của Cộng hoà liên bang Đức trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, từ ngày 4/10 đến 5/10, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo “Pháp luật về bảo hiểm xã hội -Kinh nghiệm của CHLB Đức và Việt Nam”.
Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Ông Timo Rinke - Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam; GS. TS. Juergen Kessler - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Berlin; ThS. Trần Hải Nam, Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ThS. Bùi Quang Huy - Vụ Thanh Tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; TS. Phạm Thuý Nga - Viện Nhà nước và Pháp luật; GS.TS. Andreas Schmidt-Roegnitz - Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Berlin; Bà Trần Hồng Hạnh - Điều phối viên chương trình, Viện FES.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có sự góp mặt của PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Khoa Pháp luật kinh tế; PGS.TS Nguyễn Hữu Chí - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội cùng đông đảo của các đồng chí đại diện lãnh đạo các khoa chuyên môn, các phòng ban, trung tâm và đông đảo giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Bảo hiểm xã hội được xem là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Bởi vậy BHXH luôn là vấn đề trọng tâm được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm, trong đó có CHLB Đức và Việt Nam. Để có chế độ bảo hiểm xã hội phù hợp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động, các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội ngày càng phải hoàn thiện và phát triển.
Luật BHXH năm 2014 ra đời đã thực thi được gần 10 năm và hiện đang trong quá trình sửa đổi. Theo kế hoạch dự thảo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Do đó, việc tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó có CHLB Đức có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.
PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường hy vọng rằng đây sẽ là một diễn đàn khoa học bổ ích với tiếng nói từ các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và Đức để chúng ta có thể học hỏi tối đa kinh nghiệm của CHLB Đức trong việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo hiểm xã hội. Nhân dịp này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cũng gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu, các quý thầy cô giáo, các nhà khoa học đã dành thời gian đến tham dự Hội thảo tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Đặc biệt, cảm ơn Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Vietnam đã đồng hành với Nhà trường trong việc tổ chức Tuần lễ Pháp luật Việt-Đức lần thứ 13 và hội thảo này.
PGS.TS Nguyễn Hữu Chí - Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo
Hội thảo sẽ kéo dài từ ngày 04/10 đến ngày 05/10 chia làm 3 phiên. Tại phiên 1, các đại biểu sẽ được lắng nghe 3 báo cáo bao gồm: Báo cáo “Tổng quan pháp luật về bảo hiểm xã hội ở Việt Nam” của PGS.TS Nguyễn Hữu Chí - Trường Đại học Luật Hà Nội; Báo cáo “Pháp luật bảo hiểm xã hội và hệ thống bảo hiểm xã hội của Đức” của GS. TS. Juergen Kessler, Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Berlin; Báo cáo “Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước” của ThS. Trần Hải Nam - Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
GS. TS. Juergen Kessler, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Berlin trình bày tham luận
ThS. Trần Hải Nam - Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo
Đây là hoạt động thường niên được tổ chức tại Trường Đại học Luật Hà Nội với sự tài trợ của Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Vietnam. Hội thảo “Pháp luật về Bảo hiểm xã hội - Kinh nghiệm của Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức” là sự kiện đầu tiên trong chuỗi những hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp luật Việt-Đức lần thứ 13 tại Trường Đại học Luật Hà Nội này. Hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới các mục đích sau: (1) Nhận diện rõ sự cần thiết khách quan, cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội; (2) Xác định rõ những vấn đề cơ bản, trọng tâm của pháp luật bảo hiểm xã hội và những vấn đề cần phải sửa đổi, hoàn thiện; (3) Cung cấp các quan điểm, các góc nhìn đa chiều của các nhà nghiên cứu khoa học, các cán bộ từ các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà hoạt động thực tiễn, các giảng viên giảng dạy liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội; góp phần đóng góp những ý kiến hữu ích, sát thực cho việc hoàn thiện pháp luật bảo hiểm xã hội mà cụ thể là dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; (4) Học tập kinh nghiệm của Đức trong việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Nguồn: https://hlu.edu.vn/News/Details/27113?zoneid=zone2
Bình luận |
---|