Đồng chủ trì Hội thảo là PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế và PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Giảng viên cao cấp khoa Pháp luật Kinh tế.
Tham dự Hội thảo là PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Luật Hà Nội; Trưởng khoa Luật một số Đại học lớn; Chủ tịch, Giám đốc một số công ty luật…
Đồng chủ trì Hội thảo là PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế và PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, Giảng viên cao cấp khoa Pháp luật Kinh tế.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết, bối cảnh hiện tại cho thấy mỗi quốc gia với mức độ khác nhau đều hội nhập với kinh tế thế giới, chịu ảnh hưởng qua lại của các quan hệ mang tính toàn cầu. Sự tác động này có thể do từng quốc gia tham gia vào các tổ chức quốc tế, các định chế quốc tế.
Bên cạnh đó, những quy định riêng của các khu vực, các khối địa chính trị hay các vấn đề phát sinh khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nhiều vấn đề thời sự đã và đang đặt ra, vượt ra khỏi cam kết mà Việt Nam tham gia, chẳng hạn như thuế tối thiểu toàn cầu, quy định cấm nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng hoặc từ việc xuất hiện các sản phẩm mới của cách mạng 4.0.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phát biểu khai mạc
Hội thảo tập trung một số nội dung chính: yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế từ các chế định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, quy định nội khối và thực tế quốc tế khác; hệ thống pháp luật thuế liên quan đến chống xói mòn cơ sở thuế và thuế tối thiểu toàn cầu; pháp luật về sở hữu trí tuệ, sở hữu bất động sản; pháp luật liên quan đến phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài sản số; pháp luật lao động, an sinh xã hội liên quan đến phân bổ lao động mới; pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán với những tác động mới…
Với mong muốn góp phần “thổi lửa” cho các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan lập pháp bằng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, của các chuyên gia đang hoạt động thực tiễn, đồng thời lắng nghe, tổng hợp ý kiến xác đáng về những vấn đề nêu trên, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Những gợi mở chính sách và pháp luật từ các định chế quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói.
Và theo ông Tuyến, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, các nhà khoa học. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 22 Chuyên đề có chất lượng tốt, đã được phản biện độc lập và tập hợp trong Kỷ yếu của Hội thảo vào thành Báo cáo chuyên đề “Gợi mở chính sách và pháp luật từ các chế định quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia”, gửi tới Đề tài “Các định chế quốc tế mới và những gợi mở đối sách cho Việt Nam”.
PGS.TS Phạm Thị Giang Thu trình bày tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các nhà giáo, các nhà khoa học cùng các đại biểu tham dự đã cùng nhau bàn luận, trao đổi vấn đề chính: Yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong bối cảnh mới; Những vấn đề gợi mở về thể chế liên quan đến kinh tế tuần hoàn, sản phẩm trí tuệ và giáo dục đại học; Những vấn đề gợi mở về thể chế liên quan đến sở hữu, vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, sản phẩm trí tuệ và giáo dục đại học cũng như chuyển dịch lao động.
Hồng Mây - Báo Pháp luật Việt Nam