Đăng vào 31/12/2022
Sáng 31/12, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức buổi nghiệm thu cấp thành phố Đề tài“ Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội” do TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường làm chủ nhiệm.
TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ nhiệm Đề tài; TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước - Thư ký đề tài cùng các thành viên của Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu
Tham dự buổi nghiệm thu Đề tài cấp thành phố có TS Lê Văn Hoạt - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN thành phố Hà Nội CT02 - Chủ tịch Hội đồng; TS Dương Thị Thanh Mai - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp - Uỷ viên phản biện; TS Phạm Tuấn Khải - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ - Uỷ viên phản biện; PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Chủ nhiệm chương trình KH&CN thành phố Hà Nội CT01 - Uỷ viên Hội đồng; TS Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - Uỷ viên Hội đồng; PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh - Trưởng khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở Học viện Hành chính quốc gia - Uỷ viên Hội đồng; Đ/c Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - Uỷ viên Hội đồng.
Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội có TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ nhiệm đề tài; TS Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước - Thư ký đề tài; TS Hoàng Ly Anh - Quyền Trưởng phòng Quản lí khoa học và trị sự Tạp chí cùng các thành viên trong nhóm Đề tài.
TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường - Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt nội dung chính của Đề tài trước Hội đồng
Trường Đại học Luật Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện Đề tài “Nghiên cứu đề xuất phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội” theo Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND thành phố Hà Nội. Đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng hệ thống chính trị, an ninh, quốc phòng Thủ đô mà trọng tâm là phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Đề tài do TS. Đoàn Trung Kiên – Hiệu trưởng nhà trường chủ nhiệm, TS. Đoàn Thị Tố Uyên – Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước làm thư ký.
Đề tài được thực hiện trong 14 tháng, từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022. Đề tài nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền như nghiên cứu cơ sở khoa học về phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương và nhấn mạnh giữa trung ương với chính quyền đô thị tại Hà Nội; nghiên cứu thực tiễn phân cấp, phân quyền ở một số nước châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và một số thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam như thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; từ những kết quả nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm để Trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội.
Đề tài đánh giá đúng thực trạng quy định pháp luật và thực tiễn phân cấp, phân quyền, hạn chế, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra ở thành phố Hà Nội. Đề tài đã phân những yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; thực trạng pháp luật về phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; thực trạng phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực cụ thể và giữa các cấp chính quyền ở thành phố Hà Nội; chỉ ra được những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế của việc phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; đánh giá được ưu điểm, nhược điểm nội dung quy định của Luật Thủ đô năm 2013 và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật Thủ đô năm 2013, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế nhất là có liên quan đến phân cấp, phân quyền, thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, chỉ ra được các nguyên nhân của thành công và hạn chế về phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội, Đề tài đề xuất quan điểm, định hướng, chính sách phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội; các giải pháp hoàn thiện thể chế, các giải pháp phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực cụ thể (tổ chức bộ máy, nhân sự, đầu tư, tài chính-ngân sách, đất đai, môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ…) và các giải pháp phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền; đề xuất những nội dung, chính sách đề nghị phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực then chốt và điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện.
Từ kết quả nghiên cứu về cơ sở khoa học, đánh giá đúng thực trạng phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội, đánh giá đúng ưu, nhược của nội dung quy định trong Luật Thủ đô, đề tài đề xuất những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Thủ đô; đánh giá thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 trên địa bàn thành phố. Đề tài đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và Thành phố Hà Nội trong việc ban hành qui định và tổ chức thực hiện phương án phân cấp, phân quyền ở thành phố Hà Nội.
Trải qua hơn một năm thực hiện đề tài với tác phong nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nghiêm túc Ban chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên nghiên cứu đã hoàn thành toàn bộ các nội dung nghiên cứu cũng như các sản phẩm của đề tài theo thuyết minh nhiệm vụ. Đề tài đã được thẩm định, nghiệm thu cấp trường ngày 19/11/2022 tại Trường Đại học Luật Hà Nội, nghiệm thu cấp cơ sở tại Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội ngày 06/12/2022. Ngày 31/12/2022 đề tài đã được nghiệm thu cấp thành phố, góp phần khẳng định vị thế, năng lực nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội – Trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam.
Ban chủ nhiệm đã triển khai tất cả các nhiệm vụ theo Thuyết minh của Đề tài như:
- Tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tài liệu
- Tiến hành khảo sát, điều tra với đối tượng là công chức, người dân và doanh nghiệp (06 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giâý, Hà Đông, Tây Hồ), 1 thị xã (Sơn Tây), 04 huyện (Đông Anh, Mê Linh, Phú Xuyên, Gia Lâm) và 07 cơ quan trung ương: Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng...; Chính quyền thành phố Hà Nội, gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Y tế; phòng chuyên môn (Phòng Tài chính, Phòng Tư pháp, Phòng Nội vụ...) và chính quyền phường/thị trấn/xã: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
- Tổ chức 05 hội thảo khoa học đã thu hút được sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn với chất lượng rất tốt.
- Hoàn thành 09 sản phẩm của Đề tài theo đúng thuyết minh bao gồm:
1. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu
2. Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài
3. Các báo cáo theo các nội dung nghiên cứu
4. Báo cáo về cơ sở khoa học (cơ sở lý luận, cơ sở chính trị - pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn, bài học rút ra cho Thành phố Hà Nội về phân cấp, phân quyền,…)
5. Báo cáo đánh giá thực trạng phân cấp, phân quyền ở Thành phố Hà Nội (quy định pháp luật hiện hành, thực trạng phân cấp, phân quyền, hạn chế, nguyên nhân, những vấn đề đặt ra,…).
6. Đề xuất những nội dung, chính sách đề nghị phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực then chốt và điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện (về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính - đầu tư, quy hoạch,…).
7. Đề xuất những nội dung, chính sách đề nghị phân cấp, phân quyền ở một số lĩnh vực then chốt và điều kiện đảm bảo để tổ chức thực hiện (về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính - đầu tư, quy hoạch,…).
8. Báo cáo đề xuất những nội dung cần sửa đổi cụ thể trong Luật Thủ đô
9. Bài báo về giải pháp phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội.
Ban chủ nhiệm đề tài đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cơ sở ngày 6/12/2022 và đã chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tất cả các chương của Báo cáo tổng hợp. Sau đó, Báo cáo tổng hợp đã được chuyển đến tất cả 09 thành viên của Hội đồng cơ sở. Ban chủ nhiệm đã nhận được đầy đủ các ý kiến đồng ý của 09 thành viên. 03 thành viên: Chủ tịch, 02 phản biện là TS. Dương Thị Thanh Mai và PGS.TS. Ngô Doãn Vịnh có thêm yêu cầu chỉnh sửa một số ý cho rõ và đầy đủ hơn Ban chủ nhiệm cũng đã tiếp thu đưa vào Báo cáo tổng hợp.
Sau khi lắng nghe TS Đoàn Trung Kiên báo cáo các nội dung chính của Đề tài, Hội đồng tư vấn đã nhận xét, bổ sung và góp ý các nội dung của Đề tài để phù hợp hơn với thực tiễn.
Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại biểu dự buổi nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Đề tài, được nhóm nghiên cứu thực hiện chỉn chu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Phát biểu kết luận tại buổi đánh giá, nghiệm thu đề tài, TS Lê Văn Hoạt - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KH&CN thành phố Hà Nội CT02 - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chủ nhiệm và khẳng định Đề tài đã bám sát được đề cương, đảm bảo chất lượng, thời gian. Các giải pháp đề xuất kiến nghị của Đề tài có những điểm đề xuất cao, khả thi và tư duy. Về tổng thể, Đề tài đã được Ban chủ nhiệm thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, khoa học. Đề tài cũng giải quyết được mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, đáp ứng yêu cầu của một đề tài khoa học cấp thành phố. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Ban Chủ nhiệm nghiêm túc tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của thành viên Hội đồng, tiếp thu kết luận của Hội đồng và hoàn thiện báo cáo tóm tắt. Ban Chủ nhiệm cần chú ý chỉnh sửa, hoàn thiện sớm Đề tài để phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Một số hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề tài
Bình luận |
---|