Các đại biểu cùng nhau chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có TS Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường; TS Lê Đình Nghị - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trịnh Tiến Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Phạm Thị Hằng - Phó trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo và Khảo thí cùng Trưởng các đơn vị thuộc Trường, thành viên đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Các giải pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo luật của Trường Đại học Luật Hà Nội đáp ứng yêu cầu xây dựng trường trọng điểm về đào tạo pháp luật trong bối cảnh hiện nay”, viên chức của Trường có quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo luật lớn nhất của Việt Nam. Về nguồn lực con người, Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý của Trường có năng lực, kinh nghiệm quản lý. Đội ngũ giảng viên hầu hết có học vị từ thạc sĩ trở lên, trong đó có gần 50% giảng viên có học vị tiến sĩ. Về quy mô đào tạo, Trường đã có tất cả các bậc đào tạo: tiến sĩ, thạc sĩ và đại học với quy mô đào tạo tăng hằng năm ở tất cả các bậc đào tạo này. Trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì và Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba; nhiều năm được nhận cờ thi đua của Chính phủ và ngành Tư pháp cùng các danh hiệu thi đua khác.
TS Đoàn trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Trong chiến lược phát triển, mục tiêu của Trường là xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cán bộ pháp lý phục vụ cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu trên, Trường đã xây dựng Đề án đưa Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm Quốc gia về đào tạo, nghiên cứu và truyền bá pháp luật ở Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án theo Quyết định 549/TTg ngày 04/4/2013. Trong thời gian tới Trường sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình: Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh NCKH; mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực tài chính và nâng cao năng lực hạ tầng cơ sở phục vụ công tác đào tạo… Đặc biệt, ngày 30 tháng 9 năm 2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1156/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đề án có mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; trung tâm nghiên cứu và truyền bá pháp lý hàng đầu trong các cơ sở đào tạo pháp luật của Việt Nam, có vai trò dẫn dắt trong hệ thống các cơ sở đào tạo luật của cả nước, có uy tín trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Quy mô đào tạo của 2 trường được mở rộng đến năm 2030 đạt khoảng 49.000 sinh viên. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ chú trọng một số chuyên ngành trọng điểm mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và quốc tế, tiếp tục khẳng định thế mạnh đào tạo trong các lĩnh vực pháp luật; phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở trình độ đại học, thạc sĩ; tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao; Phát triển đa dạng chương trình và mở rộng các hình thức đào tạo gồm đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.
Tại hội thảo ngày hôm nay, TS Đoàn Trung Kiên mong muốn được lắng nghe các báo cáo và ý kiến tham luận của quý vị đại biểu về chủ đề hội thảo, trong đó tập trung vào đánh giá thực trạng công tác kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo luật nói riêng, những xu hướng mới trong việc định hình các tiêu chuẩn, mục tiêu đánh giá chất lượng đào tạo trong bối cảnh hiện nay. Những ý kiến, tham luận của quý vị hôm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo luật của Trường Đại học Luật Hà Nội trong tương lai, từ đó tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của đất nước trong thời gian tới.
Hội thảo tổ chức với mục đích đánh giá thực trạng chất lượng đào tạo 5 năm vừa qua của Trường Đại học Luật Hà Nội để xác định điểm mạnh cần phát huy và điểm hạn chế cần khắc phục, từ đó nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà khoa học, toàn thể viên chức, người lao động Nhà trường trao đổi, thảo luận, thể hiện quan điểm và đóng góp các ý kiến chuyên môn có giá trị.
Ban tổ chức đã nhận được 09 báo cáo tham luận của các nhà khoa học đến từ các cán bộ giảng viên ở các phòng ban, các khoa đào tạo trong trường. Các báo cáo tham luận đều có hàm lượng khoa học cao, tính mới, sáng tạo, xoay quanh các chủ đề sau: Thực trạng và giải pháp trong quản lý đào tạo trình độ đại học Trường Đại học Luật Hà Nội; Thực trạng về đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2015-2022; Những điểm mới trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội; Thực trạng giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học trong thời gian đại dịch Covid-19 tại Việt Nam; Thực trạng các hình thức đánh giá người học của Trường Đại học Luật Hà Nội...