Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Luật học và phát triển năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường trọng điểm “Những vấn đề chung về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”.
ThS Nguyễn Thanh Hương - Giảng viên Khoa Lý luận chính trị mở đầu Hội thảo
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường, và TS. Ngọ Văn Nhân - Trưởng Khoa Lí luận chính trị. Về phía khách mời có sự tham gia của GS.TS Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS Đỗ Đức Minh - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trương Hồng Quang - Viện Khoa học Pháp lý; PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS Nguyễn Tất Viễn - Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Bộ Tư pháp; TS. Nguyễn Thị Vân Hà - Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật - Học viện Hành chính.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên khẳng định “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp” là yêu cầu, nhiệm vụ mới, thể hiện quan điểm của Đảng về lộ trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong những năm tới. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã và đang thu hút sự quan tâm, tham gia thảo luận sôi nổi, nghiên cứu chuyên sâu của các cấp, các ngành, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học trên nhiều diễn đàn học thuật.
Hiệu trưởng Đoàn Trung Kiên phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại hội thảo, các nhà giáo, các nhà khoa học đầu ngành đã đi sâu phân tích và làm rõ Tư tưởng về nhà nước pháp quyền trong lịch sử triết học trước Mác và ý nghĩa hiện thời; Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp; Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Nhận diện những tác động từ truyền thống và hiện tại; Bảo đảm phát triển bền vững trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Giới hạn của pháp luật và những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay; Vấn đề phân cấp, phân quyền trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Bình đẳng giới trong tham chính ở Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong quá trình chuẩn bị, Hội thảo đã thu nhận được nhiều tham luận của các nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài Trường. Các tham luận tập trung phân tích, luận giải một cách đa dạng, sâu rộng các vấn đề đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.