Chiều ngày 02 tháng 12 năm 2020, tại Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững vùng Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay” do PGS,TS.Tô Văn Hòa là Chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu được thành lập theo quyết định 1932/QĐ-VHL ngày 16/11/2020 gồm 9 thành viên do PGS,TS.Bùi Nhật Quang (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) là Chủ tịch, GS,TS. Hoàng Thế Liên – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Hội đồng, GS,TS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS.Nguyễn Đình Kỳ (Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016 – 2020) và các thành viên khác. Hội đồng nghiệm thu hôm nay do GS,TS. Hoàng Thế Liên điều hành.
Thay mặt các nhà khoa học tham gia đề tài, PGS,TS.Tô Văn Hòa đã báo cáo tóm tắt kết quả của Đề tài. Ngoài Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, đề tài có các sản phẩm khác gồm báo cáo kiến nghị gửi các cơ quan hữu quan, 8 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, 02 Kỷ yếu hội thảo cấp quốc gia được tổ chức ở Hà Nội và Đắk Lắk. Trong quá trình thực hiện đề tài, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo được 7 học viên cao học đều công tác và làm việc tại Tây Nguyên.
Theo nhận xét Hội đồng, đề tài được thực hiện rất công phu, khoa học bao gồm việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, tổng hợp và đánh giá nhiều báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, phỏng vấn sâu hơn 1000 cá nhân, tổ chức có liên quan để từ đó có những kết luận sát thực tế. Các chuyên gia đã đánh giá cao kết quả đề tài và cho rằng, đề tài đã chỉ đúng và trúng về thực trạng và nguyên nhân của tình trạng tranh chấp đất đai ở Tây Nguyên giai đoạn hiện nay, từ đó có những những kiến nghị, đề xuất bám sát thực tiễn, có tính khả thi để tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật để góp phần ổn định và phát triển Tây Nguyên trong giai đoạn tới. Một trong những giải pháp được Hội đồng đánh giá cao là việc đề tài đã kiến nghị sửa đổi nhiều quy định pháp luật cho phép áp dụng có hiệu quả luật tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý và giải quyết tranh chấp đất đai.
Thông qua thảo luận nghiêm túc, Hội đồng cũng có những đề xuất để Chủ nhiệm đề tài và các thành viên tiếp tục làm sâu sắc thêm kết quả nghiên cứu và nhất trí nghiệm thu thành công đối với các sản phẩm của Đề tài.
Việc thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước do PGS,TS.Tô Văn Hòa làm Chủ nhiệm đã tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu với ba trụ cột là đào tạo nguồn nhân lực pháp lý chất lượng cao, nghiên cứu khoa học có tính dẫn dắt và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng./.
PHÒNG QLKH &TSTC (đưa tin)