Các đại biểu tham dự tại Hội thảo khoa học cấp trường “Tương trợ tư pháp về dân sự và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và nhà thực hành luật đến từ các cơ sở đào tạo, cơ quan nghiên cứu như Vụ Pháp luật Quốc tế - Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Báo Phụ nữ Việt Nam, khoa Luật của các trường Đại học Ngoại Thương, Đại học Thương mại, Đại học Cần Thơ, Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh, cùng các giảng viên đại diện từ các Khoa và Bộ môn thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên, học viên cao học với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu và phát triển pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành một diễn đàn khoa học hữu ích để lắng nghe, thảo luận và chia sẻ những ý kiến chuyên sâu, đóng góp vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, cũng như vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa Pháp luật Quốc tế và của Nhà trường nói chung.
PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà khoa học với 12 chuyên đề trong kỷ yếu. Các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học đã lần lượt trình bày các báo cáo và trao đổi ý kiến sôi nổi trong các phiên thảo luận về các vấn đề như: Những điểm mới của Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Bàn về khái niệm tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Hợp tác tư pháp về dân sự của Liên Minh Châu Âu và những hàm ý chính sách cho ASEAN; Thu thập chứng cứ ở nước ngoài – xu thế quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam; Công ước Lahay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại và thực tiễn thi hành ở Việt Nam; Công ước Lahay 1965 về tống đạt: thực thi công ước tại một số quốc gia thành viên và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;...
Hội thảo đã diễn ra trong không khí thảo luận thẳng thắn, cởi mở và sôi nổi, với sự trao đổi chuyên sâu giữa các tác giả chuyên đề và các nhà khoa học tham dự. Những nội dung được thảo luận không chỉ giải quyết những vấn đề lý luận, mà còn mở ra nhiều hướng tiếp cận thực tiễn cho Việt Nam trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự.
Kết thúc hội thảo, TS. Trần Minh Ngọc – Trưởng Khoa Pháp luật Quốc tế và chủ trì Hội thảo đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học, chuyên gia, nhà thực hành luật và giảng viên đã tham gia, đóng góp nhiều ý kiến quý báu. TS. Trần Minh Ngọc hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành trong các hoạt động khoa học tiếp theo của Nhà trường và của Khoa.
Những kết quả đạt được từ Hội thảo lần này không chỉ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của Khoa Pháp luật Quốc tế, mà còn góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác tư pháp quốc tế về dân sự.
Nguồn: https://hlu.edu.vn/News/Details/28458