Đăng vào 10/02/2023
Bằng Quyết định số 405/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 10 tháng 11 năm 1979 về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (tiền thân của Trường Đại học Luật Hà Nội), Trường Đại học Luật Hà Nội đã chính thức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trở...
Đề án xây dựng Trường thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 549/QĐ-TTg ngày 04/4/2013, Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phê duyệt kèm theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 đã tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng Trường thành trung tâm nghiên cứu, trung tâm học thuật và trao đổi các ý tưởng khoa học pháp lý có uy tín tại Việt Nam. Năm 2020, Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030 trong đó định hướng phát triển Trường trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, đóng góp tích cực trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và phục vụ cộng đồng.
Trường Đại học Luật Hà Nội đã ban hành các chiến lược, quy chế, quy định nhằm định hướng, khuyến khích và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường. Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030, trong đó có chiến lược nghiên cứu khoa học xác định rõ định hướng nghiên cứu cũng như các chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu đối với các giảng viên của Trường trong các giai đoạn cụ thể 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đầu năm 2022, Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, Quy chế chi tiêu nội bộ (mới) được ban hành với nhiều điểm mới tích cực trong công tác quản lý các hoạt động khoa học[1]. Việc đổi mới các cơ chế quản lý và tài chính cũng tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu khoa học.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư pháp và lãnh đạo Nhà trường, đồng thời phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại, Trường Đại học Luật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học.
Chất lượng giảng dạy của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng luôn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo trình, tài liệu được đưa vào sử dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, công tác biên soạn giáo trình, tài liệu luôn được Trường Đại học Luật Hà Nội coi là một công việc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Hệ thống giáo trình, tài liệu của Trường được biên soạn bởi các giảng viên, chuyên gia uy tín là các GS., TS., ThS. Tính đến năm 2022, Trường đã và đang biên soạn 102 đầu giáo trình, tài liệu phục vụ các chương trình đào tạo. Từ năm 2018 - 2023, Trường đã in, tái bản, nối bản có sửa đổi, bổ sung 182 lượt giáo trình, tài liệu.
Từ năm 2018 – 2023, Trường đã tổ chức hiệu quả hoạt động quản lý đề tài và nghiệm thu thành công 192 đề tài khoa học cấp cơ sở (năm 2018: 43 đề tài; năm 2019: 34 đề tài; năm 2020: 40 đề tài; 2021: 36 đề tài, 2022: 39 đề tài). Ngoài ra, với uy tín khoa học và chuyên môn cao, các giảng viên của Trường cũng đã được mời tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, Bộ, Tỉnh, Ngành. Từ năm 2018 đến nay, Trường đã bảo vệ thành công 02 đề tài, đề án cấp Nhà nước, 01 đề tài NAFOSTED và 01 đề tài khoa học cấp Bộ[1]. Trường đã và đang thực hiện 09 đề tài cấp bộ, thành phố và tương đương với tổng kinh phí các đề tài hơn 5 tỷ đồng[2].
Từ năm 2018 – 2023, Trường đã tổ chức thành công 299 hội thảo (trong đó 26 hội thảo khoa học cấp quốc tế; 01 hội thảo cấp Bộ, 73 hội thảo cấp Trường, 199 hội thảo cấp Khoa). Ngoài ra, hằng năm, Trường cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các hội thảo quốc tế tại Việt Nam hoặc nước ngoài, đặc biệt các hội thảo khoa học quốc tế thường niên trong khuôn khổ hợp tác với CHLB Đức tại Tuần lễ pháp luật Đức hoặc các Trường như Trường Đại học quan hệ quốc tế Mátxcơva, Đại học tổng hợp Vân Nam – Trung Quốc… Các Hội thảo, tọa đàm quốc tế đều tập trung vào các vấn đề đương đại của khoa học pháp lý và mang tính thời sự. Các hội thảo cũng chú trọng và tạo điều kiện tham gia đối với sinh viên, học viên và giảng viên trẻ; một số hội thảo được đánh giá cao, ví dụ như: Hội thảo quốc tế “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” (phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam); hội thảo quốc tế “Pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”, Hội thảo quốc tế “Đại dịch Covid-19 và những vấn đề pháp lý đặt ra”…
Trong những năm gần đây, Trường đã có nhiều chính sách, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, công bố các công trình, bài viết trên các tạp chí hàng đầu trong nước và nước ngoài về chuyên ngành luật. Từ năm 2018 - 2023, Trường đã có 107 công bố quốc tế, trong đó có có 39 bài báo ISI/Scopus, 54 bài báo đăng tạp chí nước ngoài có ISSN và phản biện độc lập và 10 chương sách bằng tiếng nước ngoài được xuất bản bởi nhà xuất bản nước ngoài có uy tín, 04 Báo cáo đăng trên kỷ yếu Hội thảo quốc tế. Công bố nghiên cứu khoa học trong nước của các tác giả là giảng viên của Trường được đăng trên các tạp chí chuyên ngành: Tạp chí Luật học, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Tạp chí Dân chủ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Toà án nhân dân…
Năm 2021, Trường ra mắt Diễn đàn Luật học và Phát triển trên cơ sở Tuần lễ nghiên cứu khoa học được tổ chức từ năm 2017 – 2020. Với tôn chỉ “Luật học phục vụ phát triển”, Diễn đàn “Luật học và Phát triển” là chuỗi các sự kiện khoa học được tổ chức thường niên tại Trường Đại học Luật Hà Nội nhằm huy động, phát huy tri thức luật học và tri thức liên ngành phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Trong Diễn đàn Luật học và Phát triển năm 2022, Nhà trường đã tổ chức ra mắt trang trọng và ý nghĩa Chương trình “Nâng cao năng lực công bố quốc tế của giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội” (2022-2024) hướng tới kỷ niệm 45 năm thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội, theo đó đã: 1) Trao Quyết định và ra mắt 02 Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội, 04 nhóm đề tài trọng điểm (nghiên cứu ứng dụng) với mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu và khả năng công bố quốc tế cho đội ngũ giảng viên, mở rộng khả năng công bố các công trình nghiên cứu của Trường cũng như của các cán bộ, giảng viên tại các diễn đàn, hội thảo và tạp chí quốc tế, đồng thời thiết thực hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường, 2) Ra mắt Ban tiếng Anh học thuật thuộc Câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, với mục đích thành lập nhóm sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học và khả năng sử dụng tiếng Anh tốt để tham gia hỗ trợ các hoạt động của Nhà trường nói chung và hoạt động NCKH nói riêng. Toạ đàm khoa học cấp Trường "Công bố quốc tế trong lĩnh vực luật học – Chính sách và kinh nghiệm" cũng đã được tổ chức thành công, tiếp nối thành công của chuỗi các toạ đàm, hội thảo được tiến hành liên tục những năm qua nhằm nâng cao năng lực công bố quốc tế của các giảng viên của Trường góp phần thực hiện mục tiêu tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành đại học định hướng nghiên cứu.
Đến năm 2023, Trường đã thành lập 12 nhóm nghiên cứu với mục tiêu trở thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có tính dẫn dắt trong các chuyên ngành khoa học pháp lý và liên ngành, có những sản phẩm khoa học chất lượng tốt được công bố, đặc biệt là công bố quốc tế. Đây là tập thể các nhà khoa học uy tín, có năng lực chuyên môn cao, xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Được sự quan tâm, đầu tư của Trường, các nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn, qua đó, không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế mà còn nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Trường và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học đã có nhiều kết quả. Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức trong khuôn khổ các dự án hợp tác của Trường như tổ chức thường niên Tuần lễ pháp luật Đức... Thông qua các hoạt động với các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, các đối tác tích cực như Canada, Úc, New Zealand..., hợp tác khoa học cùng nghiên cứu qua các chương trình, dự án hợp tác đã được thiết lập, để từng bước tiến tới các xuất bản phẩm, các công bố quốc tế uy tín. Nhiều giảng viên của Trường đã tham gia các hội thảo quốc tế và công bố các nghiên cứu của mình.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển về quy mô và nâng cao về chất lượng. Từ năm 2018 – 2022, tổng số đề tài đăng ký dự thi là 751 đề tài và thu về 708 đề tài thực hiện, do 1947 sinh viên của 09 đơn vị chuyên môn thực hiện.
Là một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trong lĩnh vực luật học ở Việt Nam, Tạp chí Luật học của Trường có những xuất bản phẩm định kì, chuyên đề, đặc san với nội dung khoa học phong phú, sâu sắc, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội và hoạt động của ngành Tư pháp nói chung. Tính từ số Tạp chí đầu tiên ra mắt bạn đọc (số 1/1994) đến nay, Tạp chí Luật học đã xuất bản và phát hành phục vụ bạn đọc 259 số định kì, 23 số đặc san tiếng Việt; 01 số tiếng Anh với gần 3000 bài báo khoa học của hơn 700 tác giả trong và ngoài Trường trong đó có nhiều tác giả nước ngoài từ Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào… Tạp chí cũng quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng biên tập, tham gia phản biện bài cho Tạp chí. Năm 2021, Trường Ban hành Đề án xây dựng Tạp chí Luật học theo tiêu chuẩn ASEAN Citation Index (ACI) nhằm hướng đến mục tiêu đưa Tạp chí Luật học trở thành tạp chí uy tín trong khu vực mà trước hết là được vào hệ thống trích dẫn của khu vực ASEAN (Asean Citation Index – ACI). Từ số 6/2021, Tạp chí Luật học đã xuất bản đúng kỳ hạn theo Giấy phép xuất bản; Đưa vào sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn DoIT của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt quy trình phản biện kín 2 chiều, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên bình duyệt, lãnh đạo, biên tập viên, chuyên viên của Tạp chí; tăng cường kiểm soát, kiểm tra kỹ lưỡng các nguồn tài liệu tham khảo. Tiếp tục tham gia Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL) nhằm tạo thêm một kênh quảng bá cho Tạp chí.
Trong bối cảnh đất nước tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế và triển khai cách mạng 4.0, Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn luôn khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng là cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, trường trọng điểm quốc gia về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý uy tín hàng đầu, có vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực khoa học pháp lý; tham gia xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật; trung tâm truyền bá tư tưởng pháp lý, đóng góp tích cực trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và phục vụ cộng đồng.
[1] Đã nghiệm thu với kết quả xuất sắc Đề án “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học 2012” là nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 do PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh làm chủ nhiệm; (2) Đã nghiệm thu thành công Đề tài “Nghiên cứu giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai bảo đảm phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay” do PGS.TS. Tô văn Hòa làm chủ nhiệm; (3) Đã nghiệm thu thành công đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất chủ trương, phương án đàm phán của Việt Nam trong xây dựng văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao làm chủ nhiệm, TS. Hoàng Ly Anh làm thư ký.
[2] Đã nghiệm thu thành công 04 đề tài cấp Bộ: Đề tài “Đổi mới mô hình quản trị đại học luật đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện tự chủ đại học” do PGS.TS Vũ Thị Lan Anh làm chủ nhiệm, Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đáp ứng các khuyến nghị của Liên hợp quốc đối với việc thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Hồng Yến làm chủ nhiệm, Đề tài “Hoàn thiện chính sách và pháp luật về kinh tế ban đêm ở Việt Nam” do TS. Trần Vũ Hải làm chủ nhiệm, Đề tài “Nghiên cứu khả năng áp dụng mô hình học tập kết hợp (Blended learning) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo luật trong bối cảnh tự chủ đại học” do TS. Đinh Thị Phương Hoa làm chủ nhiệm; Đã nghiệm thu thành công 02 đề tài cấp thành phố: Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội” do TS. Chu Mạnh Hùng làm chủ nhiệm. Đang triển khai 03 đề tài cấp Bộ: Đề tài “Kỹ thuật lập pháp ở Việt Nam hiện nay: Lý luận, thực trạng và kiến nghị” do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa làm chủ nhiệm, Đề tài “Đánh giá về tính tương thích giữa Luật Công đoàn năm 2012 với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam; kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012” do PGS.TS. Tô Văn Hòa làm chủ nhiệm, Đề tài “Các giải pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo luật của Trường Đại học Luật Hà Nội đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường trọng điểm về đào tạo pháp luật trong bối cảnh hiện nay” do TS. Đoàn Trung Kiên làm chủ nhiệm; 01 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Đề tài“Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp áp dụng pháp luật về xử lý rác thải tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” do PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến làm chủ nhiệm.
Bình luận |
---|